Hoạt động vận tải người nội bộ là gì? Người lái xe ô tô hoạt động vận tải người nội bộ có được từ chối điều khiển phương tiện không?
Hoạt động vận tải người nội bộ là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 12 Điều 56 Luật Đường bộ 2024 như sau:
Hoạt động vận tải đường bộ
...
11. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng để vận tải hàng hóa trên đường bộ.
12. Hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là hoạt động vận tải không kinh doanh, không thu tiền cước, chi phí vận tải được tính vào chi phí quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của người vận tải; bao gồm hoạt động vận tải người nội bộ và hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ và được quy định như sau:
a) Hoạt động vận tải người nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên của cơ quan, tổ chức đó;
b) Hoạt động vận tải hàng hóa nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó sản xuất hoặc trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu để phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
13. Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hoạt động vận tải người nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc cơ quan, tổ chức sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ để vận tải:
- Cán bộ, công nhân viên, người lao động; hoặc
- Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên của cơ quan, tổ chức đó.
Hoạt động vận tải người nội bộ là gì? Người lái xe ô tô hoạt động vận tải người nội bộ có được từ chối điều khiển phương tiện không? (Hình từ Internet)
Người lái xe ô tô hoạt động vận tải người nội bộ có được từ chối điều khiển phương tiện không?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 24 Nghị định 158/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định đối với vận tải người nội bộ bằng xe ô tô
...
3. Người lái xe ô tô hoạt động vận tải nội bộ
a) Có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe, hướng dẫn cho người ngồi trên xe về an toàn giao thông và thoát hiểm khi gặp sự cố, yêu cầu người ngồi trên xe thắt dây an toàn trước khi cho xe khởi hành; kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý bảo đảm an toàn;
b) Thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, thời gian nghỉ theo khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
c) Không được chở người trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để người đu, bám bên ngoài xe; không được chở hàng nguy hiểm, hàng cấm lưu hành, hàng lậu, động thực vật hoang dã; không được chở người, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, quá số người theo quy định;
d) Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn, không có hoặc không có đủ dây an toàn trên xe.
Như vậy, người lái xe ô tô hoạt động vận tải người nội bộ được từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn, không có hoặc không có đủ dây an toàn trên xe.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 158/2024/NĐ-CP như sau:
Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ
1. Nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm:
a) Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp;
c) Người đại diện theo pháp luật;
d) Các hình thức kinh doanh;
đ) Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh;
e) Khu vực in QR code, lưu trữ thông tin điện tử của giấy phép kinh doanh vận tải.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.


Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dấu chấm là gì? Công dụng của dấu chấm? Cách sử dụng dấu chấm? Ví dụ dấu chấm? Chương trình lớp mấy học về công dụng của dấu chấm?
- Lịch bắn pháo hoa tại tỉnh Bình Thuận kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2025)?
- Mẫu tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân mới nhất được ban hành tại phụ lục II kèm theo Thông tư 40?
- Những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn xin việc? Có cần giấy khám sức khỏe khi đi phỏng vấn xin việc?
- 05 đoạn văn giới thiệu bản thân dành cho học sinh tiểu học? Lập dàn ý? Một số thuật ngữ của môn Ngữ văn?