Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện có phạm tội không? Nguyên tắc xử lý người phạm tội xâm hại tình dục?

Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện có phạm tội không? Vụ án quan hệ tình dục với người 15 tuổi được tổ chức xét xử như thế nào? 03 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi?

Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện phạm tội không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
....

Như vậy, người đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người 15 tuổi không phụ thuộc hai bên có tự nguyện hay không thì vẫn cấu thành Tội giao cấu và thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi với hình phạt tù từ 01 đến 05 năm, nặng nhất lên đến 15 năm.

Lưu ý: Người dưới 18 tuổi quan hệ với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tự nguyện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện có phạm tội không? Nguyên tắc xử lý người phạm tội xâm hại tình dục?

Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện có phạm tội không? Nguyên tắc xử lý người phạm tội xâm hại tình dục? (Hình từ Internet)

Vụ án quan hệ tình dục với người 15 tuổi được tổ chức xét xử như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định viêc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi như sau:

- Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:

+) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

+) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.

- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:

+) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;

+) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;

+) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;

+) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

+) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:

+) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).

+) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.

+) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.

+) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.

+) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.

- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:

+) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;

+) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;

+) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;

+) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;

+) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;

+) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;

+) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

- Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.

- Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan.

03 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi?

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định 03 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục như sau:

1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.

3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

Giao cấu với người dưới 16 tuổi
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Quan hệ tình dục với người 15 tuổi tự nguyện có phạm tội không? Nguyên tắc xử lý người phạm tội xâm hại tình dục?
Pháp luật
Quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi sau đó tổ chức đám cưới thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Pháp luật
Vi phạm tội giao cấu với người dưới 16 tuổi thì có thể rơi vào những tội phạm nào, mức xử phạt cụ thể là bao nhiêu?
Pháp luật
Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi quan hệ tình dục với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trên cơ sở tự nguyện hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giao cấu với người dưới 16 tuổi
13 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào